Doanh nghiệp chú trọng đầu tư nhiều vào mảng kế toán/tài chính, ít vào dịch vụ/logistics
Theo VNR500, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế thông qua CPTPP cùng với làn sóng chuyển đổi công nghệ giúp Việt Nam trở thành một địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị năng lực đầy đủ để đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Hầu như các doanh nghiệp mới chỉ ứng dụng công nghệ số chủ yếu trong các mảng tài chính/kế toán, bán hàng, sản xuất, R&D (với tỉ lệ trung bình khoảng 71,2% doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ trong các mảng này).
Trong khi đó các mảng về dịch vụ, logistics chưa nhận được nhiều chú trọng của doanh nghiệp (tỉ lệ ứng dụng trung bình xấp xỉ 35%), tuy nhiên đây cũng là các mảng nhận được nhiều hứa hẹn đầu tư của doanh nghiệp trong vòng 1-2 năm tới.
Về việc đầu tư công nghệ tiên tiến 4.0 của doanh nghiệp
Đánh giá về tiềm năng đầu tư cho các công nghệ tiên tiến của CMCN 4.0, VNR500 cho biết công nghệ di động (Mobility), cảm biến thông minh (Smart sensors) và điện toán đám mây (Cloud Computing) là 3 công nghệ được chú trọng và nhận định đem lại kết quả khả quan cho doanh nghiệp với xu hướng gia tăng đầu tư trong thời gian tới.
Tuy vậy, kết quả phản hồi đồng thời cho thấy tỉ lệ các doanh nghiệp lớn đầu tư cho các công nghệ tiên tiến còn thấp, hiện tại có gần 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chưa đầu tư cho bất kì công nghệ 4.0 nào.
Trong vòng 3 năm tới, một số công nghệ được phần đông doanh nghiệp dự định lựa chọn đầu tư là Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT).
Theo Thế Trần